Có những bữa cơm “chan đầy nước mắt” khi những câu chuyện “con nhà người ta” xuất hiện, học trò chỉ có nước ăn cho xong qua bữa cơm! Dù cho con mình có xuất chúng đến đâu thì dường như thế lực vô hình đó luôn được các phụ huynh mang ra làm chuẩn mực.
Có lẽ các bạn trẻ ngày nay chẳng còn quá xa lạ với việc bị bố mẹ so sánh với “con nhà người ta”. Đâu có ai hoàn hảo về mọi thứ, có thể bạn A học giỏi, bạn B xinh xắn, bạn C khéo léo và bạn là con thì bố mẹ vẫn sẽ có đủ lý do “dìm” bạn.
Mỗi ngày nghe những câu như: “Đứa này giỏi lắm”; “Con nhà cô kia ngoan lắm”; “Thằng này nhà chú B làm được như thế cơ mà”…, phần lớn các bạn trẻ chẳng ai vui vẻ cho được. Ai mà chẳng tự ái, bạn nào vô tư thì bỏ ngoài tai, gật gù vâng dạ, bạn nào suy nghĩ nhiều thì lại buồn phiền, tủi thân.
Và thế là không ít câu chuyện “cười ra nước mắt” về vấn đề này được đưa ra, nhất là dưới góc nhìn của các bạn trẻ. Các tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi vẫn thường xuyên được các chương trình trên đài truyền hình đưa tin. Vào thời điểm mùa thi vừa đi qua, sắp bước vào năm học mới lại càng có nhiều những thông tin về học sinh từ khắp các vùng miền. Khổ cái là các chương trình tin tức lại thường được phát sóng vào thời điểm các bữa cơm gia đình.
Một bạn trẻ than thở trên diễn đàn học đường.
Một phụ huynh không ngần ngại tag thẳng con mình vào clip.
Một game thủ sau khi bị phụ huynh phàn nàn mà không thể phản kháng lại chỉ có thể ngậm ngùi chia sẻ niềm đau mong tìm được sự cảm thông giữa 500 anh em.
“Em mới ăn xong tivi nó chiếu cái gì mà thủ khoa vượt khó ý, nào là siêng học làm việc nhà cho chó ăn. Nghe cʜửі với đi rửa chén bát nãy giờ”
Sau khi đăng tải, game thủ này đã nhận được khá nhiều ủng hộ từ phía cộng đồng game thủ, bởi có lẽ đây là tình trạng chung của biết bao nhiêu gia đình: bạn chỉ hạnh phúc cho đến khi cái đứa con nhà người ta xuất hiện.
“Lại còn vụ thủ khoa vàng toán học gì gì đó, không học thêm buổi nào. Đang ăn cơm giữa trưa cũng bị cʜửі. Giờ ăn cơm thật Ɖάпɡ ѕợ”

“Mẹ em bảo con nhà người ta càng nghèo càng khổ càng chịu khó, mày đầy đủ quá sinh hư”
Bên cạnh những dòng chia sẻ thương cảm vì cùng cảnh ngộ, nhiều anh em khác cũng đưa ra “cao kiến” làm sao để giúp game thủ này không còn phải đối mặt với tình trạng trên nữa, chẳng hạn như “đấy bố mẹ người ta nghèo vậy mà vẫn dạy dỗ con được thủ khoa”, hay “nếu bị đem ra so sánh thì ông mở Google search các doanh nhân thành đạt hoặc tỉ phú rồi bảo ba mẹ người ta đấy”.
Một game thủ khác chia sẻ: “bây giờ muốn phản các ông phải cho bố mẹ mình hiểu là mỗi người có một tố chất nhất định, cố mãi cũng thế thôi. Thằng thủ khoa cũng chỉ có 1 trong khi cả nghìn đứa nghèo vượt khó không được, và các ông phải cho bố mẹ thấy là mình cố hết sức rồi”
Thực ra, sự so sánh của phụ huynh cũng xuất phát từ niềm quan tâm lo lắng đối với con cái. Ai mà chẳng mong con mình học giỏi, ngoan ngoãn như con nhà người ta. Có thể ban đầu chúng ta sẽ cảm thấy hơi khó chịu, nhưng sau này nhìn lại, bạn sẽ chẳng còn cảm giác đó nữa. Thậm chí nó còn trở thành một phần vui vẻ trong suốt quãng đời học sinh của mình.
Cũng phải hiểu cho các bậc phụ huynh nhiều khi chỉ muốn tìm những câu chuyện ý nghĩa để giáo dục con cái trở thành người tốt. Chỉ có điều là nhiều bạn trẻ đã đến tuổi khôn lớn, có thể tự mình tìm hiểu về những tấm gương ấy rồi mà không thích bố mẹ chỉ cho nữa.
Dường như đồng cảm trước vấn đề này, nhiều bạn trẻ đã được phen bày tỏ nỗi lòng: “Mấy hôm nay toàn giấu điều khiển với rút ổ cắm ra á”; “Lúc đó vừa ăn cơm vừa rơi nước mắt”; “Cứ chiếu đến mấy cái này là lại phải lẩn đi chỗ khác…”; “Ngta thì vượt khó học giỏi. Còn toi thì vượt khó để qua bữa cơm”; “Thời buổi công nghệ 4.0 xem thời sự live stream mắng con qua mạng xã hội”…/.
Nguồn: We25